Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thứ hai - 14/04/2025 05:16 61 0
Ngày 10/4/2025 Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND vè nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của Trung ương trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế trong giai đoạn hiện nay: Xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước phát triển bền vững1, xác định đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” cần tập trung tháo gỡ, hoàn thiện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật; xác định xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; gắn kết việc xây dựng pháp luật với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật của sở, ngành, địa phương mình. Đồng thời chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về chất lượng, tiến độ, thời gian trình các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh theo lĩnh vực của sở, ngành quản lý.
2. Đối với những văn bản nợ, chậm, yêu cầu tham mưu xử lý hoàn thành trước ngày 30/5/2025; tăng cường đôn đốc, chỉ đạo đơn vị chuyên môn khẩn trương soạn thảo các dự thảo, đảm bảo chất lượng, tiến độ đã giao.
Thường xuyên rà soát, cập nhật văn bản pháp luật mới để tham mưu triển khai thực hiện kịp thời. Trước mắt, rà soát ngay các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương thuộc lĩnh vực quản lý để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) trước ngày 30/4/2025 để đưa vào chương trình xây dựng văn bản pháp luật của tỉnh trong năm 2025.
3. Chủ động rà soát, tham mưu xử lý ngay những văn bản của tỉnh đang còn hiệu lực thi hành có nội dung không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, đảm bảo theo tiến độ thời gian tại Thông báo số 39/TB-UBND ngày 28/3/2025 về kết luận của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
4. Tiếp tục rà soát văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đề xuất phương án xử lý theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Rà soát văn bản dự kiến cần sửa đổi, bổ sung theo định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013: Thủ trưởng các sở, ban, ngành phải bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương để xác định rõ vấn đề phải đề xuất xử lý và phương án sửa đổi, ban hành văn bản, gửi Sở Tư pháp trước ngày 20/4/2025.
Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh danh mục các văn bản, rà soát việc phân giao nhiệm vụ, chuẩn bị sẵn sàng để hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đảm bảo được vận hành ngay sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/4/2025.
5. Đối với việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương phục vụ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số:
Giao Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương để phản ánh, kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20/4/2025.
6. Tuân thủ chặt chẽ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật của Trung ương và địa phương. Nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí và năng lực của công chức pháp chế đảm bảo tham mưu tốt cho Thủ trưởng các sở, ngành của tỉnh trong công tác xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
7. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình xây dựng, ban hành quy phạm pháp luật. Tăng cường trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu xây dựng, đề xuất chính sách và soạn thảo, trình văn bản quy phạm pháp luật. Khắc phục triệt để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả của hoạt động này được xem xét là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là tiêu chuẩn xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu. Kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, trục lợi chính sách”.
8. Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp chậm tham mưu ban hành văn bản, chậm xử lý theo kết quả kiểm tra, rà soát văn bản.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; nâng cao chất lượng, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm các chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ Nhân dân. Chú trọng việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách để đề xuất việc hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, tính khả thi cao.
9. Có giải pháp cụ thể, đồng bộ để xây dựng, bố trí, điều động, luân chuyển các cán bộ, công chức có năng lực làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng các yêu cầu công việc đặt ra. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này. Củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác xây dựng pháp luật. Ưu tiên, tăng cường nguồn lực, nhất là nguồn tài chính đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thùy Dương - Phòng PB&TDTHPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây