Công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025

Thứ sáu - 04/07/2025 06:46 13 0
Với quyết tâm chính trị cao, xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện; bằng nỗ lực, phấn đấu, điều hành quyết liệt và năng động của Đảng bộ, chính quyền các cấp, phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của Nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đạt và vượt một số mục tiêu giai đoạn 2021-2025.
Kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được trong những năm qua, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm. Năm 2021 là năm đầu thực hiện giai đoạn 2021-2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song với quyết tâm chính trị cao, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, bằng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, phù hợp với thực tế của địa phương Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục là một phong trào lớn, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, tham gia, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương, phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Với đặc thù là tỉnh trung du miền núi, Thái Nguyên có lợi thế lớn về đất đai, nguồn nước và điều kiện sinh thái thuận lợi cho phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, đặc biệt là cây chè - một trong những cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tăng bình quân 3,8%/năm. Giá trị bình quân trên 01 ha đất trồng trọt đạt 135 triệu đồng. Giá trị cây chè và sản phẩm trà ngày càng gia tăng, năm 2025 ước đạt 14,8 nghìn tỷ đồng, có nhiều sản phẩm thương hiệu, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh cao trên thị trường. Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn được nâng lên, góp phần đẩy mạnh xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét, trở thành động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh. 100% sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã được cung cấp trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Đến nay, toàn tỉnh có 315 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia (vượt 162,5% kế hoạch giai đoạn 2021-2025).
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được ưu tiên nguồn lực đầu tư tạo diện mạo nông thôn khang trang, sạch, đẹp hơn, hỗ trợ tốt cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là ở những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đã khuyến khích, vận động được người dân và cộng đồng tham gia tích cực hơn vào xây dựng NTM. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được trên 85 km kênh mương, 58 công trình thủy lợi; 356 công trình nhà lớp học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ; 109 Trung tâm văn hóa - thể thao xã; 582 Nhà văn hóa và khu thể thao xóm; 26 công trình chợ nông thôn; đầu tư, nâng cấp 01 Bệnh viện đa khoa, 01 Trung tâm y tế cấp huyện và 16 trạm y tế xã, 18 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông;...
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân giảm 1,15%/năm. Cùng với đó, việc triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát được đẩy mạnh. Đến ngày 30/4/2025, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 5.913 hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở; hoàn thành trước kế hoạch 8 tháng và là một trong 3 tỉnh hoàn thành sớm nhất cả nước. Nhiều địa phương trong tỉnh đã huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước và vận động xã hội hóa để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nhà ở khu vực nông thôn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và hoàn thiện tiêu chí về nhà ở dân cư.
Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, xây dựng từng bước chuẩn hóa, hiện đại hoá gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia. 100% các xã trên toàn tỉnh đạt và tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Duy trì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) đạt trên 96%. Hệ thống y tế cấp xã được tăng cường, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và cơ bản có chất lượng. 100% xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế được tăng cường, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt đạt trên 95%.
Các phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, văn hóa, văn nghệ quần chúng,… được đẩy mạnh; xây dựng và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, đã thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều bước phát triển mới, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống tinh thần cho Nhân dân. Năm 2025, tỷ lệ gia đình văn hóa tỉnh Thái Nguyên đạt 90%.
Công tác bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn được các địa phương trên địa bàn tỉnh xác định là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình MTQG xây dựng NTM và đã đạt được một số kết quả tích cực, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng có nhiều thay đổi. Phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng cảnh quan môi trường; phong trào trồng cây xanh, trồng hoa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường đang phát triển mạnh mẽ; toàn tỉnh đã trồng, chăm sóc trên 620 km đường hoa, đường điện chiếu sáng; phát triển nhiều mô hình xóm sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; xóm NTM kiểu mẫu. Tiếp tục đầu tư, duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và phân tán để nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh của Nhân dân. Năm 2025, tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo quy định đạt 62%.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến được mở rộng đến 100% xã, phường, thị trấn, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình và tăng mức độ hài lòng của người dân. Chính quyền cơ sở ngày càng phát huy vai trò chủ động trong điều hành, phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của người dân trong xây dựng NTM.
Phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM” đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội; phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của người dân;  thu hút và huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia xây dựng NTM.
So với giai đoạn trước, Chương trình giai đoạn 2021-2025 có nhiều đổi mới về chính sách, cách thức điều hành, cơ chế thực hiện và đánh giá. Việc phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh; quy trình đánh giá, công nhận xã NTM theo hướng thực chất, nâng cao chất lượng. Các mô hình hay, cách làm hiệu quả tiếp tục được nhân rộng như: mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với phát triển du lịch cộng đồng; hợp tác xã kiểu mới; xã NTM thông minh;… Sự hài lòng của người dân đối với kết quả Chương trình ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng, môi trường, văn hóa.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên có tổng s07 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 77,8% (gồm 03 thành phố: Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên và 04 huyện: Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương). Tăng 04 huyện so với cuối năm 2021. Hoàn thành mục tiêu Trung ương giao (mục tiêu giao 70%). Cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước có 318/645 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 49,3%). Tỉnh Thái Nguyên có 02 huyện: Phú Bình, Đại Từ đạt chuẩn NTM nâng cao. Tăng 02 huyện so với cuối năm 2021. Vượt 01 huyện so với mục tiêu Trung ương giao (mục tiêu giao 01 huyện). Có tổng số 115/121 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 95% (trong đó, số xã khu vực III vùng DTTS và Miền núi đạt chuẩn NTM là 09 xã). Dự ước đến hết năm 2025, có 117/121 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 97% (trong đó, số xã khu vực III vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn NTM là 11 xã). Tăng 24 xã so với cuối năm 2021. Hoàn thành mục tiêu Trung ương giao (mục tiêu giao 97%). Cao hơn bình quân chung cả nước đạt tỷ lệ 78,7%. Tổng số  138 xóm được công nhận NTM kiểu mẫu.
Kết quả của chương trình MTTG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh có được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương; sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đoàn thể và trên hết là sự chung sức, đồng lòng, đóng góp tích cực của Nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Sau hơn 15 năm triển khai, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, góp phần thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như chất lượng đạt chuẩn ở một số địa phương chưa bền vững; chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn; sự tham gia của doanh nghiệp và người dân chưa thật sự chủ động, hiệu quả. Trong thời gian tới, để công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, nên chăng cần triển khai một số giải pháp cụ thể như:
-  Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về xây dựng nông thôn mới, chuyển từ hình thức truyền thống sang ứng dụng các nền tảng số, mạng xã hội và công nghệ thông tin để tiếp cận đa dạng nhóm đối tượng từ cán bộ các cấp đến người dân nông thôn. Phát động và triển khai sâu rộng phong trào thi đua như “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhằm lan tỏa tinh thần chủ động, tự giác, sáng tạo trong cộng đồng dân cư, khơi dậy vai trò chủ thể của người dân và toàn xã hội trong quá trình thực hiện Chương trình.
- Trên cơ sở định hướng, hướng dẫn của Trung ương, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành và các cơ chế, chính sách đặc thù cấp tỉnh nhằm bảo đảm phù hợp với bối cảnh mới, nhất là yêu cầu chuyển đổi số, phát triển xanh, tuần hoàn và bền vững.
- Kiện toàn bộ máy thực hiện chương trình từ cấp tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu điều phối liên ngành. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhất là cấp xã, thông qua đào tạo, tập huấn chuyên sâu về quản lý chương trình, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và điều hành theo kết quả.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, cũng như nguồn đầu tư của tư nhân, các tổ chức tín dụng và quỹ phát triển, đảm bảo bổ sung nguồn vốn kịp thời theo tiến độ thực hiện.
 

Tác giả bài viết: Hà Thị Vân Anh - Phòng PBGDPL&TDTHPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây